Phòng tiếp công dân của UBND huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định chỉ được quây bằng tôn lạnh đã cũ. 

 

"Điệp khúc" kính chuyển lòng vòng

Ông Lưu Thành Đông, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng là người 2 năm qua liên tục có đơn kêu cứu về việc UBND TP Hải Phòng đã thiếu khách quan, không quan tâm đến quy hoạch và lợi ích của nhà đầu tư trong điều chuyển xe khách tại các bến xe ở TP Hải Phòng. Số lượng đơn thư ông gửi đã lên tới hàng trăm nhưng gần như rất ít nhận được hồi âm và giải quyết hiệu quả. Nhiều đơn thư được cơ quan chức năng có thẩm quyền nhận, lẽ ra phải giải quyết nhưng lại chuyển đơn lòng vòng hoặc... im lặng. “Buồn nhất là tôi đã rất nhiều lần có đơn gửi đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng kêu cứu, vì vấn đề liên quan đến chủ trương lãnh đạo quy hoạch giao thông vận tải thành phố nhưng suốt 2 năm qua, tôi chưa hề nhận được một hồi âm nào của Bí thư Thành ủy, dù chỉ là thông báo nhận đơn, chuyển đơn” - ông Lưu Thành Đông buồn bã nói.

Ngay cả các cơ quan pháp luật nhiều khi cũng không hiểu đúng và vận dụng đúng các quy định của pháp luật để giải quyết đơn thư của công dân. Trường hợp ông Nguyễn Như Tuyển ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi gây thiệt hại lên tới hơn 10 tỷ đồng do có nhiều dấu hiệu làm sai khi bán đấu giá lô đất thuộc sở hữu của ông Tuyển là một ví dụ. Ông Tuyển đã nhiều lần có đơn thư khiếu nại gửi Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi nhưng không được giải quyết thỏa đáng nên ông đã làm đơn tố cáo gửi Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đơn vị này lại tiếp tục làm sai khi không thụ lý đơn mà lại tiếp tục chuyển đơn lòng vòng về Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi. Phải tới khi ông Tuyển tiếp tục khiếu nại, Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh mới chịu sửa sai, thu hồi công văn chuyển đơn để thụ lý vụ việc. Trong sự việc liên quan đến Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh, Báo Quân đội nhân dân đã hai lần đăng tải nội dung vụ việc và có công văn đề nghị Cục xử lý vụ việc và thông tin để tòa soạn hồi âm cho bạn đọc theo quy định của pháp luật nhưng Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh vẫn im lặng một cách khó hiểu suốt 5 tháng qua. Cục này cũng không có động thái trả lời đơn thư của ông Tuyển, phớt lờ công luận và không thể hiện tinh thần cải cách hành chính, vì nhân dân phục vụ, lắng nghe ý kiến của dân như chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng thời gian qua.

Xử lý hình thức, kém hiệu quả

Chuyển đơn thư lòng vòng là một nguyên nhân khiến cho nhiều sự việc tồn đọng kéo dài, giải quyết không hiệu quả. Trong một phiên họp chuyên đề gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhìn nhận vấn về này, cho rằng, cần có giải pháp khắc phục tình trạng đơn, thư khiếu nại lòng vòng trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các địa phương, tạo ra tình trạng đơn, thư chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, vượt thẩm quyền… Đây là vấn đề rất phức tạp xảy ra từ nhiều năm nay nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục. Theo ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phải cải tiến việc chuyển đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị giữa các cơ quan. Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ra thực tế, nếu không quy định cụ thể thì đại biểu Quốc hội và những cán bộ cấp cao sẽ bị quá tải bởi xử lý đơn, thư. Có trường hợp người đi khiếu nại, tố cáo còn mắc màn ngủ chờ trước cửa nhà riêng đồng chí Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội. Riêng Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, một năm nhận tới 7.000 -10.000 đơn thư.

Tiếp xúc với nhiều người dân trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, chúng tôi được thông tin: Các cuộc tiếp dân diễn ra rất hình thức, thường diễn ra muộn vì cán bộ đến chậm hoặc chỉ ủy quyền cho cấp phó, trợ lý giải quyết nên không hiệu quả. Mỗi buổi lại chỉ giải quyết được một vài vụ việc nên tồn đọng nhiều. Có nơi người dân nhiều khi phải dậy sớm từ 4-5 giờ sáng đến chờ trước trụ sở tiếp dân hàng tiếng đồng hồ để xếp hàng rồi chen lấn nhau chờ được giải quyết. Trong khi tiếp dân chưa hiệu quả thì ý thức, trách nhiệm của một số lãnh đạo trong tiếp nhận các phản ánh của dân cũng chưa tốt. Có cán bộ cấp tỉnh được phân công tiếp dân còn “hồn nhiên” nói: “Các số điện thoại lạ tôi không bao giờ nghe (!)". Có lẽ, việc không nghe điện thoại của dân cũng là một biểu hiện xa dân, khiến cho việc nắm, giải quyết các kiến nghị của dân hạn chế.

Tìm hiểu tại một số địa phương khác, chúng tôi nhận thấy, có cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp dân, bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trình độ, năng lực còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác theo dõi, đôn đốc quá trình xử lý đơn thư ở một số nơi còn hình thức, né tránh trách nhiệm giải quyết hoặc chỉ chuyển đơn, thậm chí nhận đơn rồi... để đó.

Về cơ sở vật chất nơi tiếp dân, nhiều cơ quan, đơn vị cũng còn hạn chế. Ví dụ, ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, theo quan sát của phóng viên thì thấy cơ sở vật chất của Ban Tiếp công dân không có trang thiết bị theo đúng quy định mẫu. Phòng tiếp công dân của UBND huyện Ý Yên được quây bằng tôn lạnh đã cũ, nắng thì nóng và cũng không hề có phòng chờ cho người dân. Do đó khi công dân đến đây vẫn phải đứng chờ ngoài sân.

Cứ gửi đơn để gây... áp lực!

Về nguyên nhân dẫn đến việc đơn, thư khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, bà Trần Thị Uyên, Chánh Thanh tra TP Hải Phòng, cho rằng: Nhiều người không hiểu việc của mình thuộc cơ quan nào giải quyết. Không ít người nghĩ rằng cứ gửi đơn đến nhiều nơi, vượt cấp, khi đơn được chuyển về sẽ tạo ra áp lực để cơ quan có thẩm quyền cấp cơ sở giải quyết, do đó dẫn đến tình trạng đơn, thư gửi nhiều nơi, vượt cấp. Khi người dân được tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, thời gian giải quyết đơn, thư phải theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên trên thực tế thì không thực hiện được, mà thường kéo dài hơn quy định. Như giai đoạn xác minh sự việc thì có thể bám sát theo thời gian quy định của luật, tuy nhiên khi có báo cáo kết quả xác minh, đến giai đoạn chuyển đến người có thẩm quyền để ra quyết định giải quyết thì thường kéo dài so với quy định. Đến giai đoạn thi hành quyết định thì nhiều nơi không chịu thực hiện hoặc kéo dài thời gian thực hiện. Chính điều này khiến thời gian giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo kéo dài và người dân càng bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Hán, ở xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cho biết: Chúng tôi trình độ dân trí thấp, không hiểu và nắm rõ pháp luật, nhiều khi lên gửi đơn cũng không biết là việc của mình đúng hay sai, pháp luật quy định như thế nào? Chúng tôi mong cán bộ tiếp dân chủ động hướng dẫn để chúng tôi biết phải làm như thế nào cho đúng, để chúng tôi không phải gửi đơn nhiều lần. Mà khi đơn từ của chúng tôi không được giải quyết, bắt buộc chúng tôi phải gửi đơn khiếu kiện, tố cáo vượt cấp.

(còn nữa)

Bài và ảnh: TRANG THỊNH – MINH HẢI