Trả nghĩa cho quê hương thứ 2

Tuy nhiên, đối với các ban ngành đoàn thể và nhân dân vùng đất thép Anh hùng, cái tên Anh Luân và “ông từ thiện” Nguyễn Như Tuyển (Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty) với phong cách giản dị, thân thiện, đã trở nên quen thuộc và gần gũi. “Tôi cho rằng giá trị của món quà không quan trọng mà ý nghĩa nhất là mình thể hiện được đạo lý làm người “uống nước nhớ nguồn”, ghi tạc công ơn của những người đã cống hiến máu xương cho đất nước”, anh Tuyển vui vẻ mở đầu câu chuyện.

Có để ý mới thấy, tuy là chủ một công ty bề thế, nhưng phòng làm việc riêng của anh lại bày trí khá đơn giản, không cầu kỳ. Ngoài các vật dụng cần thiết phục vụ cho công việc như bàn, ghế, máy tính… toàn bộ căn phòng được trang trí bằng hàng chục tấm bằng, giấy khen về thành tích người tốt việc tốt, hoa việc thiện cùng thư cảm ơn… được anh treo gắn rất trang trọng chung quanh bốn bức tường để làm kỷ niệm.

Ông Nguyễn Như Tuyển (thứ 3 từ trái sang) tại lễ ký kết biên bản nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng xã Tân Phú Trung. Ảnh: THÀNH ĐỒNG

 

Khởi điểm hành trình làm từ thiện của anh Nguyễn Như Tuyển gần 10 năm qua bắt nguồn từ việc anh tham gia rất tích cực cho phong trào khuyến học của địa phương. Thông qua quỹ khuyến học, khuyến tài của Hội Khuyến học huyện, hàng năm anh đều trích một phần ngân sách của công ty, từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, dành trao tặng học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Năm học 2008-2009 là thời điểm mà Quỹ Khuyến học, Khuyến tài huyện Củ Chi đạt đến “con số vàng”, với hơn 600 triệu đồng do Công ty Anh Luân đóng góp.

Không chỉ quan tâm đến học sinh nghèo, mà người dân nghèo, các cụ già neo đơn, nạn nhân chất độc da cam… tại địa phương cũng luôn nằm trong “tầm ngắm” giúp đỡ của Công ty Anh Luân. Không năm nào hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các hộ chính sách, người có công vào các dịp lễ, tết lại thiếu sự chung tay của “ông từ thiện” Nguyễn Như Tuyển. Đầu năm 2009, chính anh và các đồng sự của mình đã triển khai thực hiện kế hoạch từ thiện khá “tham vọng”, đó là ngoài việc tiếp tục các chương trình từ thiện xã hội đã có, Công ty Anh Luân cùng chính quyền địa phương chính thức ký kết biên bản nhận phụng dưỡng suốt đời tất cả Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Củ Chi. Tổng kinh phí cho các hoạt động này là 1,2 tỷ đồng.

Cách đây hơn 4 tháng, khi chúng tôi cùng Công ty Anh Luân trao tặng quà Tết Trung thu cho trẻ em nghèo tại đây, trước khi chia tay, anh Nguyễn Như Tuyển đã bộc bạch ý định hiến tặng cho Quỹ Từ thiện Báo SGGP một mảnh đất rộng 120m2 nằm trong tài sản bất động sản của đơn vị, mục đích nhằm tổ chức bán đấu giá. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán đất sẽ dùng cho việc cùng Báo SGGP tổ chức một chuyến đi tham quan thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Bác, dành cho Mẹ Việt Nam anh hùng hiện còn sống trên toàn huyện.

Hỏi anh Tuyển, nguyên nhân nào mà Công ty Anh Luân “dám” hiến tặng đất trong thời buổi tấc đất tấc vàng, người đàn ông 3 lần được Hội Chữ thập đỏ thành phố trao tặng danh hiệu “Hoa việc thiện” nhoẻn miệng cười và nói: “Việc tôi làm có lớn lao gì so với công lao của các mẹ đối với đất nước. Quả thật tình hình kinh tế những năm gần đây có ảnh hưởng ít nhiều đến đơn vị, nhưng tôi nghĩ khó khăn là khó khăn chung chứ không phải của riêng ai. Hơn nữa, chương trình này là tâm nguyện mà tôi đã ấp ủ từ lâu và xem đó như là một hành động nhỏ nhằm trả nghĩa cho quê hương thứ 2 của mình”.

Mai Nguyễn