Trước năm 1930, trong quá trình vận động, chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã đề cao “Tư cách một người cách mệnh”. Điều này thể hiện tầm nhìn vượt thời đại và những trù tính chiến lược của Người. Cách mạng là một sự nghiệp vĩ đại, phá cái cũ lỗi thời, lạc hậu, đổi ra cái mới tiến bộ, phát triển. Người cách mạng, đảng cách mạng, muốn thực hiện được sự nghiệp vĩ đại đó, trước hết phải có đạo đức.
Sau khi Đảng ta ra đời, một trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở là xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, để Đảng xứng đáng là đạo đức, là văn minh, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người đã khẳng định “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo.
Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người luôn nêu tấm gương sáng về thực hành, rèn luyện đạo đức theo nguyên tắc “Nói đi đôi với làm”, ý thức đạo đức phải đi đôi với hành vi đạo đức và coi đó là yếu tố cốt lõi để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, là cội nguồn sức mạnh để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Người nhấn mạnh “... Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước...”. Để làm được điều đó, theo Người phải từ bỏ chủ nghĩa cá nhân, phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Có thể khẳng định, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144 đã thể hiện tính cấp thiết về mặt lý luận và thực tiễn của việc xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, đồng thời thể hiện sự phát triển tư duy của Đảng ta về đạo đức cách mạng để ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Đặc biệt, trong bối cảnh Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị gia tăng các hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng... việc quán triệt và đưa Quy định số 144 vào thực tiễn đời sống càng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Quy định số 144 chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng, cụ thể hóa nhiệm vụ về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Trong đó, giá trị cốt lõi xuất phát từ kết quả vận dụng những giá trị bền vững, đi trước thời đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới.
Nội dung các quy định này không chỉ thể hiện đầy đủ, toàn diện những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu, lý tưởng, bản lĩnh chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo; sự nhất quán về lòng yêu nước, thương dân, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết trên mọi lĩnh vực, mà còn là thực thi nguyên tắc, biện pháp tu dưỡng đạo đức cách mạng có tính vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài đối với mỗi người cán bộ, đảng viên.
Quy định số 144 không chỉ là yêu cầu để giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng mà còn là cơ sở để đánh giá bản lĩnh, trách nhiệm, sự trung thành, tâm huyết, trong sạch, trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm; sự dấn thân, hăng hái, vì nước, vì dân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ; uy tín, sự gương mẫu, nêu cao lòng tự trọng, danh dự, sự đề kháng... của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Những nội dung của Quy định số 144 thể hiện rõ mối quan hệ giữa xây và chống (xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, thường xuyên; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết) trong rèn luyện đạo đức cách mạng; trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm để Đảng và hệ thống chính trị luôn trong sạch, vững mạnh.