Người chắp cánh cho những ước mơ xa

Trong 5 năm qua, điều làm cho anh Nguyễn Như Tuyển trăn trở nhất là những lá thư xin tài trợ của các em học sinh các cấp ở huyện Củ Chi mà anh đang nâng niu cất giữ. Bằng nét chữ học trò mộc mạc, khẩn thiết và chân thành kể về những hoàn cảnh khó khăn của các em mà trong anh thấy như mình cần phải làm một điều gì đó để góp một phần công sức nhỏ bé giúp đỡ những thân phận sau này sẽ là mầm xanh tương lai của đất nước. Em thì có cha làm công nhân, mẹ làm ruộng, cố gắng lo cho con học hết lớp 12. Khi con vào đại học thì dường như vượt quá sức của họ. Có em cha làm thợ hồ, lo cái ăn cái mặc cho gia đình đã khó nên chuyện học hành của 3 đứa con lại càng khó hơn. Có em hoàn cảnh đặc biệt hơn, cha mẹ li dị phải ở với bà ngoại...!

Anh Tuyển tâm sự: “Tôi làm những việc đó không phải vì trục lợi hay lấy tiếng mà làm vì đã chứng kiến và xót xa trước hoàn cảnh nhiều em học sinh hiếu học, do hoàn cảnh gia đình nghèo phải bỏ học giữa chừng, đi làm thuê, làm mướn vất vả để rồi tương lai của các em rất bấp bênh. Quê hương Củ Chi có một quá khứ hào hùng, chẳng lẽ để cho thế hệ hậu sinh chỉ vì cái nghèo mà phải dở dang chuyện học hành?”.

Em Nguyễn Thị Hồng Ngọc, sinh viên năm thứ I trường ĐH Y dược TP.HCM có hoàn cảnh gia đình rất đáng thương. Nhà có 10 anh chị em, cha mất sớm một mình mẹ tần tảo nuôi các con ăn học, riêng em phải về sống với dì dượng ở ấp Đình, xã Tân Phú Trung. Chia sẻ trước hoàn cảnh đó, Công ty Anh Luân nhiều năm liền tài trợ để em có điều kiện tiếp bước vào giảng đường đại học. Trong đợt nhận học bổng lần này em xúc động nói: “Em rất vui mừng và cảm kích trước những nghĩa cử cao quý của các cô chú lãnh đạo, nhất là chú Nguyễn Như Tuyển - Chủ tịch HĐQT Công ty Anh Luân, nhiều năm qua đã tạo điều kiện cho con được đến trường. Để ngày hôm nay được bước chân vào giảng đường đại học bằng chính những suất học bổng mà chú Tuyển đã tài trợ cho em. Em xin hứa sẽ cố gắng, nỗ lực hơn nữa để đạt được những thành tích học tập tốt để sau này không phụ lòng mong mỏi của cô chú...”!

Từ đầu năm đến nay tập thể BGĐ và CB - CNV Công ty Anh Luân cùng anh sát cánh  với các cấp chính quyền địa phương chăm lo đời sống cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình chính sách. Thể hiện nghĩa cử  vun đắp tài năng thế hệ tương lai của huyện Củ Chi bằng việc tài trợ và trao hàng ngàn suất học bổng trị giá hàng tỉ đồng giúp cho các HSSV nghèo, con em gia đình chính sách có được điều kiện tiếp tục con đường học vấn, trở thành người hiền tài cho tương lai. Không chỉ tài trợ học bổng khuyến học tại Củ Chi, anh còn tài trợ hàng trăm triệu đồng về nơi tuổi thơ quê hương Bắc Giang. Sự đóng góp này là cái tâm trong sáng của một doanh nhân luôn ghi sâu trong tim đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách” hay “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Trong buổi lễ trao học bổng cho HSSV nghèo vượt khó năm 2008, bà Cao Thị Gái - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi nói: “Trước tình hình kinh tế lạm phát tăng cao, nhiều doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn trong kinh doanh, nhưng Công ty Anh Luân luôn hướng tới tấm lòng vì HSSV nghèo. Ngoài việc đi đầu trong phong trào tham gia đóng góp xây dựng bảo trợ quỹ giáo dục, chăm lo cho những gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Công ty Anh Luân luôn là đơn vị đứng đầu trong tài trợ, gây Quỹ khuyến học - khuyến tài và trao tặng hàng ngàn suất học bổng cho con em những gia đình cơ nhỡ, khó khăn và đặc biệt là trẻ em hiếu học của huyện Củ Chi. Có thể nói, Công ty Anh Luân mà đại diện là anh Nguyễn Như Tuyển đã góp phần tạo ra nhân tố mới, gây dựng phong trào khuyến học – khuyến  tài vì cộng đồng và phát triển nhân tài cho xã hội ở Củ Chi”.

Trong năm 2009, anh Như Tuyển đã có kế hoạch tài trợ các gia đình chính sách, gia đình neo đơn, nạn nhân nhiễm chất độc da cam và trao học bổng cho HSSV nghèo, hiếu học với tổng số tiền dự kiến là 1,2 tỷ đồng, nhằm góp sức với địa phương chăm lo, tạo điều kiện để nâng cao trình độ dân trí của huyện Củ Chi. Anh dự định sẽ đem đấu giá một phần đất của mình để góp kinh phí vào xây dựng trường học và thư viện sách tại Công ty để phục vụ các em SVHS và nhân dân địa phương, góp phần “đem ánh sáng văn hóa về nông thôn”.

Trước khi tạm biệt anh, chúng tôi hỏi: “Người dân Củ Chi thường gọi anh là người chắp cánh cho những ước mơ, vậy anh có những ước mơ gì không?”. Anh cười và trả lời ngay:”Với tôi, ước mơ thì nhiều lắm nhưng để nó trở thành hiện thực thì tôi chỉ ước nguyện một điều: “Chính quyền các cấp, các ngành hỗ trợ, giúp cho những doanh nghiệp như chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, để chúng tôi tiếp tục tài trợ, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương Đất thép Thành đồng này”.                                                       

Chúng tôi cũng “ước” cho Củ Chi ngày càng có nhiều doanh nghiệp như Công ty Anh Luân, chúc cho ước nguyện của anh Như Tuyển sớm trở thành hiện thực để tiếp tục đồng hành cùng các cấp, các ngành và các Mạnh Thường Quân đến từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn “vun trồng tài năng và tri ân các thế hệ đi trước”.

Lê Hải