1. Vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Ðại hội
Như chúng ta đã biết, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Ðảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Ðảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ bắt đầu chuẩn bị thành lập Ðảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Bác khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém"; "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng".
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta luôn khẳng định công tác cán bộ chịu sự quy định của đường lối chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị; cho nên đồng thời với chuẩn bị đường lối chính trị phải tích cực chuẩn bị và tiến hành đường lối tổ chức và chiến lược cán bộ. Hiện nay, cùng với việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, Ðảng ta đang chuẩn bị Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, dự kiến tổ chức vào quý I-2021. Tại Hội nghị lần thứ tám (tháng 10-2018), Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Ðại hội XIII của Ðảng (Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Ðiều lệ Ðảng, Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Ðại hội). Ngày 30-5-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng. Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Ðại hội Ðảng là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Ðảng (gọi tắt là thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Ðảng (gọi tắt là công tác nhân sự). Hai nội dung này liên quan chặt chẽ với nhau, đều phải chuẩn bị thật tốt, đặc biệt việc chuẩn bị nhân sự Ðại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Ðại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Ðại hội.
Nói đến chuẩn bị nhân sự Ðại hội XIII của Ðảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Ðảng và Nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Ðại hội Ðảng, là bộ tham mưu chiến đấu, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Ðảng, toàn dân tộc. Ðây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Ðảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ. Thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. (Lê-nin đã từng nói: "Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo ngược nước Nga"). Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Ðông Âu sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất. Cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Ðại hội Ðảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Ðảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.