Khi Hội nghị Trung ương 15 (khóa XII) đang đến gần để quyết định phương án nhân sự bốn chức danh chủ chốt cho nhiệm kỳ năm năm của Đại hội XIII thì khắp nơi lại râm ran bàn luận chuyện Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội được “cơ cấu” mang tính vùng miền, thể hiện tính đại diện như thế nào.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị Trung ương 14 (khóa XII). Ảnh: VGP
Hiểu thế nào về tính đại diện?
Toàn dân “làm nhân sự” thật ra không có gì lạ. Bởi chuyện nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao là mối quan tâm của toàn xã hội. Chỉ có điều, những thảo luận không chính thức chỉ dựa vào tin đồn, khó phản ánh một cách chính xác, đầy đủ bản chất tính đại biểu (ĐB), tính đại diện của Đảng vốn đã được ghi rõ trong Điều lệ của Đảng và cả Hiến pháp của Nhà nước.
Đảng hiện có 5,2 triệu thành viên (số liệu cuối năm 2019), được tổ chức chặt chẽ mà chi bộ là tế bào nhỏ nhất, tới từng thôn, ấp, từng cơ quan, đơn vị, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đô thị tới nông thôn, biên giới, hải đảo. Là lực lượng chính trị duy nhất cầm quyền, đồng hành cùng bước đi của đất nước; gắn bó, gần gũi với hơn 90 triệu đồng bào, đương nhiên Đảng vươn lên tính đại diện cao, hiện thực hóa cam kết “… đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam (VN), ĐB trung thành lợi ích của… nhân dân lao động và của cả dân tộc”.