Nhà đất Anh Luân

Bông hồng nơi “đất thép” | Bong hong noi “dat thep”

08.3796 1653
Hỗ trợ trực tuyến
Bông hồng nơi “đất thép”
(09:45 | 15/09/2011)

 QĐND - Tôi tưởng mình nhầm khi đứng trước ngôi nhà của chị  Trần Thị Ngọc Xuyến – người con gái Củ Chi “đất thép thành đồng”. Cứ tưởng người từng được mệnh danh là “bông hoa việc thiện” thì ngôi nhà phải hoành tráng và vóc dáng phải... đại gia, nhưng không phải. Suốt gần 20 năm qua, chị và chồng vẫn lặng lẽ cống hiến cho quê hương, bởi một lẽ  “sống ở đời, cần có một tấm lòng”...

Chưa “đại gia”, vẫn làm việc thiện

 

Xã Tân Phú Trung, một buổi chiều mùa hè năm 1989. Xuyến lúc ấy 16 tuổi, đang chăm sóc mảnh vườn nhà thì hay tin, ngoài UBND xã, người ta vừa bắt được một “người lạ” về định “rình rập” điều chi. Cũng như bao miền quê khác ở huyện Củ Chi, xã Tân Phú Trung thời chống Mỹ từng nổi tiếng là “lũy thép” nên người dân dù hiền hòa nhưng cái truyền thống cảnh giác cao độ trước kẻ xấu vẫn rất cao. Nhưng lần này, họ đã lầm. Người vừa bị bắt là anh Nguyễn Như Tuyển, không phải là “địch” mà đơn giản chỉ là một thanh niên quê Bắc Giang vào tìm đất, dựng nhà làm ăn nơi miền quê đang thay da đổi thịt mỗi ngày sau chiến tranh.

Chị Xuyến cùng các con trước ngôi nhà bình dị.

Xuyến cũng không ngờ người thanh niên với dáng người nhỏ bé, đôi mắt rất sáng ấy sau lại trở thành người bạn đời của mình. Anh Tuyển sau đó được chính quyền địa phương cho phép ở lại làm ăn, anh mua một mảnh đất nhỏ, mở xưởng sản xuất vật liệu xây dựng gần nhà cô. Song vẫn không ít người nhìn Tuyển với con mắt thăm dò, không hiểu gã trai “Bắc Kỳ” tới có “ý đồ” gì đây? Nhưng riêng Xuyến, qua vài lần gặp gỡ, cô dần cảm mến người thanh niên giàu nghị lực này.

Tuyển năm đó 24 tuổi, nhưng anh đã có gần 5 năm trời tha phương cầu thực. Nhà nghèo, có 6 anh em, học hết phổ thông, anh đã phải xếp sách bút vào Phan Thiết (Bình Thuận) rồi lên TP Hồ Chí Minh, tới các tỉnh miền Tây Nam Bộ, kiếm sống bằng đủ nghề. Có lúc anh làm phu hồ, lúc lại vào làm thợ trong các lò chế biến đường, thấy thu nhập bấp bênh, anh theo đàn anh, học hỏi nghề xây dựng. “Có lần, nghe anh Tuyển bộc bạch nguyên nhân anh về lập nghiệp ở Củ Chi, tôi cảm phục ý chí và tầm nhìn xa của anh. Anh kể rằng, hồi năm 1986, anh theo mấy đàn anh đi làm ăn. Một bữa, mấy ổng nhậu rất nhiều, rồi hò hét, vui sướng tơi bời: “Đại hội “sáu” cho phép rồi, chúng ta có thể làm giàu rồi!”. Anh chưa hiểu “Đại hội sáu” là gì, làm giàu thế nào thì mấy đàn anh vỗ vai: “Mày cũng phải mở doanh nghiệp”...

Mấy đàn anh gợi ý nên ra vùng Thủ Đức hay ngã ba Cát Lái... Tuyển đi khảo sát nhiều nơi, nhưng cuối cùng anh đã chọn Củ Chi. Lý do vì lưng vốn thời phu hồ gom nhặt chưa bao nhiêu. Một phần nữa anh cảm mến vùng quê đất thép với những con người hồn hậu, gần gũi như vùng Bắc Giang quê anh. Một phần nữa là cảm nhận, Củ Chi sẽ là miền đất lành đầy phát triển khi nó nằm không xa đầu tàu kinh tế của đất nước.

Họ bén duyên nhau. Nhưng gia đình, làng xóm không ít người phản đối. Nhà Xuyến cũng đông anh em, có 8 người, cô là con út. Họ làm đám cưới năm 1992. Tuyển suốt ngày tất bật với xưởng sản xuất. Anh chăm làm, không ưa nhậu nhẹt, chơi bời nên kinh tế lên rất nhanh. Song kinh tế chưa mấy dư dả, vậy mà từ trước lúc lấy nhau, anh đã lao vào làm từ thiện. Có lần, khách tới đòi tiền vật liệu xây dựng gần 10 triệu đồng, chị hỏi thì anh mới bật mí: “Đã trót mang tặng quà nhân dịp 27-7”. Chị cự nự:

-  Mình cũng chưa giàu, sao anh làm vậy?

Anh lắng nghe, rồi bình tĩnh giải thích cho chị rằng, anh khâm phục Củ Chi - mảnh đất pháo đài thép cửa ngõ miền Đông. Có mảnh đất nào như Củ Chi, có đến 23.000/32.000 hộ là gia đình thương binh liệt sĩ; có huyện nào nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng như ở đây, 772 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có gần 200 mẹ mất đứa con duy nhất. Sau chiến tranh, mặt đất Củ Chi không còn nơi nào lành lặn… Về đây lập nghiệp, anh đã coi Củ Chi là quê hương thứ hai của mình. Yêu quê hương, anh chỉ tâm nguyện hai việc cần làm: Một là, làm giàu để góp phần làm quê hương thêm đẹp. Hai là, làm việc nghĩa để tri ân những người hy sinh để có hôm nay.

Nghe anh tâm sự, chị hiểu một hướng đi mới của gia đình. Từ ấy, cho tới lúc anh mở doanh nghiệp xây dựng và thương mại Anh Luân năm 2003, rồi phát triển lên công ty năm 2004, mở rộng sang kinh doanh bất động sản. Việc kinh doanh càng khởi sắc bao nhiêu, họ lại càng tập trung làm việc nghĩa nhiều bấy nhiêu. Riêng với các mẹ Việt Nam Anh hùng, trước đây toàn xã Tân Phú Trung  có 46 mẹ nhưng vì tuổi tác, đến năm 2009 chỉ còn 5 mẹ, xã Tân Thông Hội chỉ còn 3 mẹ. Chị bàn với anh, đứng ra xin được phụng dưỡng 8 mẹ đến cuối đời.

“Học bổng không tên” giúp học trò nghèo

Trong các hoạt động xã hội, khuyến học được anh chị quan tâm nhiều nhất. Những suất học bổng mà vợ chồng chị giúp học trò nghèo trong huyện đã lên tới vài tỷ đồng nhưng lại là học bổng thầm lặng, “học bổng không tên”. Em Nguyễn Thị Hồng Ngọcấp Đình xã Tân Phú Trung, hiện là sinh viên năm cuối Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh sớm mồ côi cha, nhà đông anh em, phải sống ở nhà cô dượng. Nhiều năm liền, công ty của anh chị đã trao học bổng, giúp em thực hiện ước mơ đèn sách. Còn với em Dương Thị Thu Thủy, học sinh lớp 9 ở xã Thái Mỹ thì chuyện được chị Xuyến cấp học bổng chẳng khác gì cô Tấm nghèo được Bụt giúp đỡ như trong cổ tích. Mẹ mất sớm, cha thường xuyên đau ốm, năm anh chị em của Thủy phải sống nhờ vào người ông nội già yếu. Vì thế, ba người anh của em đã phải nghỉ học để  phụ giúp gia đình. Giữa lúc khó khăn, tuyệt vọng, Thủy đã từng nghĩ đến chuyện tiếp tục bỏ học. Nghe nói đến chuyện chị Xuyến thường giúp học trò nghèo, em đã viết “đơn”, đúng hơn là một lá thư. Một ngày nọ, em bật khóc khi nhận hồi âm: "Em sẽ được cấp học bổng".

Gần 20 năm, chị cùng chồng mải miết làm việc thiện, giúp người.  Năm 2004, họ trao học bổng cho các em đỗ đại học 40 triệu đồng, năm 2005 trao 160 triệu đồng, năm 2006 trao 90 triệu đồng. Năm 2008, kỷ niệm 33 năm giải phóng miền Nam, anh chị đã tặng quà học sinh, sinh viên nghèo toàn huyện 600 triệu đồng. Tháng 11-2008, với chương trình “chung tay vun trồng tài năng”, anh chị tặng học sinh, sinh viên nghèo 150 triệu đồng. Nhiều năm, cứ đến mùa tựu trường, anh chị lại tổ chức trao tặng học bổng, trao quà tết trung thu cho các em học sinh nghèo trong huyện. Họ đã 3 lần được Hội chữ thập đỏ thành phố trao tặng danh hiệu “Hoa việc thiện”. Riêng chương trình phối hợp cùng Hội Khuyến học huyện Củ Chi giúp đỡ các em sinh viên, học sinh nghèo vượt khó, hiếu học, anh chị đã giúp vài trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ riêng 2 năm 2009-2010, anh chị đã giúp các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, tặng học bổng, sách vở, quần áo cho học sinh nghèo với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Có lúc, một trong những mảnh “đất vàng”, giá đang lên cao thì họ lại đem đấu giá một phần để làm quỹ hoạt động xã hội. Trong xóm ngoài làng có người bảo “hoang phí” nhưng họ coi đó là niềm vui, là lẽ sống, là sự khỏa lấp cho bản thân hai vợ chồng thời trẻ cũng vì khó khăn chưa được học hành nhiều, chị lập tức gật đầu...

Tin ở hoa hồng

Chúng tôi gặp chị một chiều đầu thu, trong ngôi nhà nhỏ ở xã Tân Phú Trung, một ngôi nhà với kiến trúc, đồ đạc giản dị như mọi ngôi nhà trong xã. Thật khó tin vợ chồng người hằng năm bỏ ra nhiều tỷ đồng làm việc thiện lại ở trong ngôi nhà bình dị như vậy.

Còn tại trụ sở công ty của anh chị, các phòng khách treo la liệt không biết bao nhiêu giấy khen, bằng khen, bằng chứng nhận, bảng vàng ghi công... Ngay những khẩu hiệu được treo ở công ty cũng khiến khách hàng đến đây bất ngờ, cảm phục. Không phải là những khẩu hiệu ca tụng sản phẩm mà 100% là những khẩu hiệu nói lên tấm lòng, mong mỏi làm việc tốt: “Cảm ơn các mẹ đã cho chúng con hiểu thế nào là tình yêu quê hương đất nước”, "Mặc dù sớm nắng chiều mưa/ Mặc ai sau trước lọc lừa, cạnh tranh/ Tìm trong cuộc sống an lành/ Yêu thương, nhân ái, chân thành, vị tha"...

Trong những dòng khẩu hiệu ấy, qua anh Tuyển, chồng chị phân tích, chúng tôi mới hiểu nó ẩn chứa cả những nỗi lòng sâu nặng cùng những băn khoăn, trăn trở mà chị đã trải qua. Làm việc thiện, giúp người rất nhiều nhưng không ít lần chị gặp những truân chuyên, rủi ro vì những kẻ chạy theo đồng tiền, vì lợi nhuận mà bất chấp nghĩa tình, chẳng còn phân biệt đúng sai. Một cán bộ MTTQ huyện Củ Chi kể chúng tôi hay: “Vợ chồng cô Xuyến tuy chưa phải đại gia, nhưng làm ăn đàng hoàng và thường làm việc nghĩa nhiều nhất huyện Củ Chi. Song đám đầu cơ đất ở thành phố và ngoại tỉnh về làm ăn sau họ mấy năm nay đã tìm cách phá rối. Chúng tung ra đủ mọi tin xấu như vợ chồng nhà này sắp ly hôn, sắp phá sản. Có khi khách hàng đến giao dịch làm ăn thì chúng chờ ở vòng ngoài, tìm cách nói xấu, phá hợp đồng...”. “Sự cố” lớn nhất là trong một lần chồng đi công tác, hai mẹ con ở nhà đang lo phụ thợ xây tạm nhà kho chứa dụng cụ thì giữa đêm tối, kẻ xấu kéo đến đập phá.

Khó khăn không ít, anh chị vẫn làm ăn tấn tới. Trong bối cảnh thị trường nhà đất đóng băng, anh chị đã tính đến việc triển khai dự án xây nhà cho người thu nhập thấp, có nhiều sản phẩm phù hợp với người thu nhập trung bình. Những dự án này khi còn ấp ủ đã từng được các đồng chí lãnh đạo cấp cao quê Củ Chi như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Thượng tướng Phan Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, có dự án vẫn bị vướng thủ tục, chưa thể triển khai. Tuy vậy, anh chị vẫn quyết tâm mở hướng kinh doanh, mở văn phòng ngoài Hà Nội vào tháng 10 tới để có nhiều khách hàng từ Thủ đô và cũng tạo cơ sở tìm thêm đối tác, thực hiện những ước mơ còn dang dở.

Chị có vẻ ít nói, hiền lành, thầm lặng như một đóa hồng nơi vườn quê. Nhưng tôi đọc trong mắt chị sức mạnh niềm tin, tin ở hoa hồng, niềm tin ở lẽ phải, cuộc đời không bao giờ phụ lòng những con người nhân ái...

 

Bài và ảnh: HUY HOÀNG



Xem tin trong khoảng thời gian :

từ      đến      

Go to Top