Mỗi cán bộ nội chính phải tôi luyện để "thanh bảo kiếm" chém đúng đối tượng; để "lá chắn" không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên "bọc đường".
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra tại Hà Nội sáng 15/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước.
Mà muốn thế thì phải có các cơ quan nội chính. Cơ quan nội chính là lực lượng nòng cốt, trung kiên, là "thanh bảo kiếm" sắc bén và "lá chắn" vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ…
Tránh "đầu voi đuôi chuột", ăn hối lộ
Điểm lại hoạt động trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, các cơ quan nội chính đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, để lại nhiều dấu ấn nổi bật.
Cụ thể, các cơ quan nội chính đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp...
Từ đó, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá, "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động; không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập ở trong nước.
Đặc biệt là, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, hình ảnh anh "Bộ đội Cụ Hồ", người "chiến sĩ Công an nhân dân" đi đầu trên mọi mặt trận tiếp tục toả sáng, được nhân dân tin yêu, cảm phục, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
![]() |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: NC |
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý, còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và chưa chủ động kiên quyết xử lý khi có vi phạm, khuyết điểm. Vẫn còn tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong đội ngũ những người làm công tác nội chính.
"Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng của chúng ta”, Tổng Bí thư dẫn chứng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, các cơ quan nội chính phải "đúng vai thuộc bài"; phải sử dụng và kiểm soát có hiệu quả quyền lực của mình; không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ; tránh tình trạng hình thức, "phong trào", được chăng hay chớ, lúc đầu thì rầm rộ, nhưng sau thì cứ nguội lạnh dần, "đầu voi đuôi chuột", ăn hối lộ.
Ngoài ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến việc "hiệp đồng tác chiến" giữa các cơ quan nội chính và giữa các cơ quan nội chính với các cấp, các ngành, bảo đảm chặt chẽ, thường xuyên, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả.
“Nhưng phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng ở đây không có nghĩa là "dĩ hoà vi quý", nhân nhượng vô nguyên tắc, cùng bỏ qua sai phạm của nhau, mà phải gắn liền với thực hiện kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan”, Tổng Bí thư phân tích.
Trong đó, Tổng Bí thư lưu ý tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây"; hết sức lưu ý không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng, kích động, chia rẽ, đưa lên thành vấn đề phức tạp, rêu rao là chúng ta đấu đá, mâu thuẫn nội bộ.
Về thể chế, Tổng Bí thư nhấn mạnh, hệ thống pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành trôi chảy… Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, khắc phục tình trạng cục bộ, "phép vua thua lệ làng", thói quen tùy tiện, bệnh quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc.
“Các đồng chí cần tập trung tham mưu kiểm tra, giám sát việc xây dựng, ban hành và thi hành pháp luật có đúng đường lối, quan điểm của Đảng không? Có bị tác động, hướng lái chính sách theo âm mưu "tự do, dân chủ" của các thế lực thù địch, chống đối không? Các đồng chí phải là "tai mắt" của Đảng, phải "gác gôn" cho Đảng trên lĩnh vực này, không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng”, Tổng Bí thư yêu cầu.
Tổng Bí thư nhắc các cơ quan nội chính không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường kiểm soát quyền lực tư pháp.
Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang đi được đâu
Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động không trong sáng bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Trong đó, Tổng Bí thư lưu ý phải quán triệt và thực hiện phương châm phòng ngừa, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, có bệnh phải chữa ngay, không để ung thành họa; phải "cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây".
Phải gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
“Tôi đã nhiều lần nói rồi, tiền bạc lắm làm gì, chết có mang đi được đâu”, Tổng Bí thư yêu cầu kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
![]() |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: TTX |