
Tổ ĐBQH đơn vị 10 gồm các đại biểu: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM Phan Văn Xựng.
Buổi tiếp xúc được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Củ Chi tới các điểm cầu tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Củ Chi và Hóc Môn.
Tham dự buổi tiếp xúc có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Phan Văn Mãi; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khi trình bày chương trình hành động ứng cử ĐBQH, đại biểu đã cam kết luôn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và trở thành ĐBQH, đại biểu thực hiện đúng như thế.
Trước đại dịch Covid-19, Chủ tịch nước đã vào TPHCM gặp gỡ cử tri. Trong đại dịch, Chủ tịch nước cũng vào TPHCM và giờ đây tiếp tục tiếp xúc cử tri. Chủ tịch nước đánh giá cao Đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức tiếp xúc cử tri với các chuyên đề sâu, giám sát về y tế, kinh tế, trực tiếp lắng nghe ý kiến cử tri TPHCM nói chung và cử tri 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn nói riêng.
“Tinh thần là rất nghiêm túc, chứ không làm qua loa, chiếu lệ. Từ đó, lắng nghe trực tiếp, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri và phản ánh tới Quốc hội và các cơ quan chức năng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Trong năm 2021, Việt Nam đã đương đầu đại dịch lần 4 có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng dẫn tới hậu quả nặng nề là hơn 23.000 người chết, riêng TPHCM có hơn 17.000 người qua đời, chuỗi cung ứng ở TP bị đứt gãy và không ít sang chấn tâm lý trong người dân.
Chủ tịch nước gửi lời chia sẻ với những mất mát lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM trong suốt thời gian dài qua. Đồng thời, đánh giá cao tinh thần và nỗ lực của lãnh đạo TPHCM, của cấp huyện, đặc biệt là nhân dân TPHCM đã đoàn kết, thống nhất, chủ động, năng động, sáng tạo, từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
TPHCM đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ. Tuy vậy, những hệ lụy về xã hội, việc làm, tâm lý người dân bị ảnh hưởng nặng. Chủ tịch nước cho rằng, TPHCM phải tiếp tục giải quyết các hậu quả trong một thời gian dài, không phải trong năm 2021 là xong mà có thể cả trong năm 2022, thậm chí đầu năm 2023 mới có thể khôi phục tình trạng bình thường.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp và TPHCM vẫn có hơn 1.000 ca mắc/ngày. Chủ tịch nước đề nghị TPHCM đánh giá một cách toàn diện về việc phòng chống dịch Covid-19 trong làn sóng dịch thứ 4 vừa qua, rút ra các bài học, kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng đúng lúc các tổ chức, cá nhân, các tôn giáo, các nhà hảo tâm, đặc biệt là người dân đã nỗ lực vượt qua đại dịch. Khen thưởng có thể là giấy khen, bằng khen, hay huân chương, danh hiệu anh hùng, truy tặng liệt sĩ cho những tấm gương đã không tiếc công, tiếc sức để bảo vệ người dân TPHCM.