Trích Dẫn Báo Công an Tp.HCM:
Trả hết nợ, vẫn bị "xiết" tài sản
Cầm lá đơn trên tay, ông Nguyễn Văn Tuyển (SN 1968, ngụ xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi) không khỏi ngao ngán khi một sự việc tưởng chừng quá đơn giản, nhưng suốt gần 10 năm trôi qua vẫn không được giải quyết. Nhiều ý kiến chỉ đạo của cấp trên liên tục bị phớt lờ. Và cứ thế, bao nhiêu đơn thư, câu hỏi không hề nhận được hồi đáp.
Ông Tuyển cho biết: Trước đó, vợ chồng ông thế chấp quyền sử dụng mảnh đất nằm ở ven đường Xuyên Á, có diện tích hơn 3.000m², tọa lạc tại xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi, để bảo lãnh cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hân Vi (Công ty Hân Vi) vay một khoản tiền của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - Chi nhánh Hòa Bình. Do làm ăn thua lỗ, Công ty Hân Vi không trả được nợ nên người bảo lãnh phải trả nợ thay theo quy định của pháp luật.
Theo bản án số 733/2012/KDTM-ST ngày 30-5-2012 của TAND TPHCM, ông Tuyển cùng vợ là bà Trần Thị Ngọc Xuyến phải trả nợ thay số tiền hơn 428 triệu đồng, do Công ty Hân Vi vay của Ngân hàng Eximbank. Ngày 08-01-2014, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Củ Chi ra Quyết định 193/QĐ-CCTHA về việc thi hành bản án nêu trên.
Thực hiện nghĩa vụ của mình, vợ chồng ông Tuyển đã nhiều lần đóng tiền trả nợ thay cho ngân hàng theo từng giai đoạn. Đến ngày 22-01-2016, việc trả món nợ này đã được hoàn tất. Theo biên bản giải quyết thi hành án giữa đại diện Ngân hàng Eximbank - Chi nhánh Hòa Bình và Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước, đại diện Chi cục THADS huyện Củ Chi đã xác nhận, trong biên bản ghi rõ: "ngày 22-01-2016 bà Xuyến đã nộp thi hành án thay Công ty Hân Vi tại Chi cục THADS huyện Củ Chi, Chi cục THADS huyện Củ Chi sẽ chuyển trả ngân hàng sau khi trừ phí thi hành án theo quy định. Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam - chi nhánh Hòa Bình tạm giữ giấy tờ tài sản liên quan đến hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng và Công ty Hân Vi".
Theo quy định, sau khi hoàn tất việc trả nợ, vợ chồng ông Tuyển sẽ được giải chấp và nhận lại tài sản của mình là giấy CNQSD mảnh đất đã dùng để thế chấp trước đó cho Ngân hàng Eximbank. Thế nhưng thật bất ngờ, chỉ 10 ngày sau khi hoàn tất trả nợ, chính mảnh đất này đã bị Chi cục THADS H.Củ Chi đem ra bán đấu giá trước sự "ngỡ ngàng" của đương sự là vợ chồng ông Tuyển. Càng bất ngờ hơn khi giá bán lại rất "bèo", chỉ 1,7 tỷ đồng, trong khi giá trị thực của mảnh đất tại thời điểm đó đã lên đến con số hàng chục tỷ đồng.
Ông Tuyển cho biết: "Thời điểm đem đấu giá, mảnh đất này được ông làm thủ tục xin tách thành 10 thửa khác nhau và được cơ quan chức năng cho phép thay đổi mục đích sử dụng thành đất ở. Giá trị 10 lô đất ở là rất cao. Rõ ràng tôi đã trả nợ xong. Việc của ngân hàng và cơ quan THADS là trả lại giấy tờ tài sản cho vợ chồng tôi. Thế nhưng đằng này họ lại đem bán với giá "bèo". Như vậy chẳng khác gì đã trả hết nợ mà vẫn bị "xiết" tài sản" - ông Tuyển bức xúc.
Phớt lờ ý kiến chỉ đạo
Ngay sau khi biết mảnh đất của gia đình bị Chi cục THADS huyện Củ Chi đem bán đấu giá với nhiều khuất tất, ông Tuyển đã khiếu nại, đồng thời gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng để nhờ giúp đỡ.
Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) cũng đã từng phản ánh vụ việc. Ngay sau đó, nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đã có văn bản đề nghị Cục Thi hành án dân sự TPHCM và Chi cục THADS huyện Củ Chi giải quyết dứt điểm.
Ông Tuyển cho biết: "Sau khi báo chí phản ánh và các cơ quan chức năng lên tiếng, Cục THADS TPHCM đã mời ông lên làm việc vào ngày 01-6-2018. Tại buổi làm việc này, Chấp hành viên trực tiếp giải quyết vụ việc là ông Nguyễn Hữu Phước vẫn một mực biện minh cho việc làm của mình. Trong khi đó, Phó cục trưởng Cục THADS TPHCM Lê Hữu Hòa lại cho rằng Chi cục THADS H.Củ Chi làm đúng quy trình"(?). Không đồng ý với cách trả lời này, ông Tuyển tiếp tục gửi đơn thư đến các cơ quan cấp cao để nhờ giúp đỡ, trong đó có Công an TPHCM, Thanh tra Chính phủ và cả VKSND Tối cao.
Liên quan đến vụ việc trên, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã nhiều lần có văn bản đề nghị Cục THADS TPHCM, Chi cục THADS H.Củ Chi giải quyết và chỉ đạo giải quyết, báo cáo kết quả giải quyết. Đặc biệt, ngày 21-5-2020, Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã có báo cáo kết quả giám sát về công tác tiếp công dân và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2019 tại Bộ Tư pháp, liên quan đến 5 vụ việc, trong đó vụ việc của ông Tuyển và bà Xuyến là một trong 5 vụ việc mà Đoàn giám sát kiến nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo, khẩn trương giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thông báo kết quả đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và Đoàn giám sát.
Tổng Cục THADS Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản số 06/TCTHADS - GQKNTC, yêu cầu Cục trưởng Cục THADS TPHCM kiểm tra, xác minh, rà soát lại toàn bộ nội dung tố cáo của đương sự, giải quyết và chỉ đạo giải quyết, báo cáo kết quả về Tổng Cục THADS. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, vụ việc đến nay vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Được biết từ đầu năm 2022 đến nay, UBND H.Củ Chi đã ban hành 4 văn bản chỉ đạo và đề nghị Chi cục THADS H.Củ Chi khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc, báo cáo UBND huyện và Ban Tiếp công dân huyện. Gần đây nhất là ngày 28-9-2022, UBND H.Củ Chi cũng đã có công văn chỉ đạo, trong đó nêu rõ: Đề nghị Chi cục THADS huyện khẩn trương xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định của Pháp luật... không để vụ việc kéo dài, gây bức xúc cho người dân.