Cơ quan THADS TP. HCM: Nhùng nhằng một vụ thi hành án?
Cơ quan THADS TP. HCM: Nhùng nhằng một vụ thi hành án?
Ngày 16/7/2018, ông Nguyễn Văn Tuyển gửi đơn thư đến một số cơ quan và báo chí, tố cáo về việc cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, xảy ra tại Cơ quan THADS huyện Củ Chi. Đơn thư tố cáo của ông cho thấy vụ tham nhũng này không phải là vấn đề nhỏ, khi lô đất của ông có giá trị trên 10 tỷ đồng, nhưng bị họ dùng xảo thuật để bán đấu giá có 1,7 tỷ đồng (?!).
Diễn biến của vụ việc, từ bản án trả nợ dân sự cho ngân hàng mà ông Tuyển phải trả thay, đến việc bằng cách nào đó, họ “dụ” ông đưa tiền vào cơ quan thi hành án thay vì trả cho ngân hàng để họ “ngâm” cho chậm lại và lấy cớ đem bán lô đất “giá bèo”, rồi biện minh “Chi cục có quyền hồi âm đơn thư trong vòng 10 ngày” nên vẫn đúng quy trình (?!).
Theo hồ sơ vụ việc được ông Nguyễn Văn Tuyển cung cấp thì, ông dùng thửa đất 3.083,7 m2 của mình để bảo lãnh nợ vay cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Hân Vi, tại ngân hàng. Do họ làm ăn thua lỗ nên thửa đất này bị Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Củ Chi thông báo bán đấu giá tài sản để thực hiện bản án dân sự về đòi nợ. Theo bản án của TAND TP. HCM, ông Tuyển phải trả hết 428 triệu đồng cho Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam.
Ngày 22/1/2016, ông Nguyễn Văn Tuyển đã nộp tiền thi hành án để giải chấp lô đất đúng theo quy định của pháp luật. Lẽ ra, ông Nguyễn Văn Tuyển nộp số tiền này cho ngân hàng, nhưng người ta đã tìm cách “dụ” ông Nguyễn Văn Tuyển nộp tiền cho Chi cục THADS huyện Củ Chi. Ông Tuyển nộp tiền từ ngày 22/1/2016, nhưng Chi cục THADS huyện Củ Chi lại để đến tận ngày 29/1/2016 mới chuyển cho ngân hàng, khiến cho ông Tuyển bị coi là chậm trả tiền cho ngân hàng theo Quyết định thi hành án.
Họ biện minh rằng, việc chuyển tiền muộn vì còn trình cấp trên ký duyệt các thủ tục. Tuy nhiên, trước bằng chứng về dấu hiệu lừa dối người dân qua tin nhắn, nói "sổ đỏ" lô đất ngân hàng giữ, trong khi thực tế, chính Chi cục THADS đang giữ, thì họ không giải thích được. Còn về việc gửi công văn trả lời đơn thư yêu cầu định giá lại tài sản quá muộn, khi cuộc đấu giá đã diễn ra, họ thản nhiên nói: “Theo quy định thì Chi cục có quyền hồi âm đơn thư trong vòng 10 ngày, chúng tôi trả lời thế là không sai”.
Việc định giá lô đất với giá “bèo”, chỉ 1,7 tỷ đồng, cũng được họ trả lời rằng, do lô đất mới có văn bản chấp thuận được chuyển mục đích sử dụng đất nên vẫn phải đấu giá theo giá đất... nông nghiệp (?!). Việc làm đó, nếu không “gắn” với sử dụng quyền lực được xem là sai trái - hay gọi là lạm quyền, thì không thể có kết cục đẩy người dân rơi vào cảnh “thiệt đơn thiệt kép” như thế.
Vu việc xảy ra từ tháng 1/2016, nhưng Chi cục THADS huyện Củ Chi đã không giải quyết dứt điểm khiếu nại và trả lời ông Nguyễn Văn Tuyển - là vi phạm Luật Khiếu nại. Bởi theo quy định của pháp luật, đơn vị bị khiếu nại hay bị tố cáo phải giải quyết, phúc đáp cho người khiếu nại, tố cáo trong thời hạn tối đa là 90 ngày. Việc kéo dài vụ việc, đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tố cáo, khiếu nại.
Bức xúc, ông Tuyển đã gửi đơn thư lên các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và địa phương để cầu cứu. Nhiều cơ quan chức năng đã chuyển đơn thư về đơn vị liên quan là Cục THADS TP. HCM để cơ quan này khẩn trương vào cuộc xử lý những thông tin theo đơn thư tố cáo của ông Nguyễn Văn Tuyển.
Sau khi nhận đơn thư, ngày 19/3/2018, Cơ quan CSĐT - Công an TP. HCM đã chuyển vụ việc đến Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ để xác minh, điều tra theo thẩm quyền. Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã vào cuộc, đã mời ông Tuyển cung cấp thông tin, phối hợp làm rõ sự việc. Thanh tra Chính phủ chuyển đơn thư tố cáo của ông Tuyển đến Cục trưởng Cục THADS TP. HCM để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngày 1/6/2018, Cục THADS TP. HCM đã mời ông Tuyển đến làm việc liên quan đến đơn thư tố cáo về những sai phạm tại Chi cục THADS huyện Củ Chi, nhưng đến nay sự việc có vẻ như đang “chìm xuồng” (!).
Ngày 16/1/2019, ông Vũ Quốc Doanh, Cục trưởng Cục THADS TP. HCM lại tổ chức đối thoại và ký văn bản tiếp công dân cũng về vụ việc nêu trên, xác định đơn thư khiếu nại, tố cáo của ông Nguyễn Văn Tuyển là không có cơ sở. Tuy nhiên Cục trưởng Cục THADS TP. HCM lại không ra quyết định giải quyết dứt điểm?
Ngày 8/4/2019, ông Tuyển lại có đơn thư khiếu nại, tố cáo lần thứ 23, nêu rõ đến thời điểm hiện nay vẫn chưa nhận được bất cứ quyết định nào về giải quyết vụ việc này, không tất toán số tiền bán đấu giá đất và tiền thi hành án mà ông có liên quan.
Vì sao vụ việc khiêu nại, tố cáo này, kéo dài đã 4 năm (từ 2016 – 2019) vẫn lơ lửng – để công dân khiếu nại đến lần thứ 23 mà không có quyết định chính thức kết luận vụ việc?
Phải chăng, quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có điều gì khúc mắc – khó ra quyết định cuối cùng nên sau nhiều năm, Cục trưởng Cục THADS TP. HCM lại phải làm thêm một buổi tiếp công dân với biên bản dài tới 4 trang mà không xử lý dứt điểm vụ việc?
Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao không giải quyết hay trả lời bằng văn bản, mà chỉ làm động tác “dàn sếp” cho qua?
Rõ ràng, quyền lợi của công dân bị xâm phạm bởi sự “nhùng nhằng” của cơ quan thi hành án: Không ra quyết định chính thức giải quyết vụ việc để công dân thi hành; không tất toán số tiền của công dân bị chiếm giữ - gồm số tiền bán đấu giá đất của họ và số tiền họ đã nộp cho cơ quan thí hành án, khiến họ tiếp tục khiếu nại, gây bất ổn về trật tự hành chính – tư pháp.
Hơn thế, tài sản bị kê biên là tài sản đồng sở hữu của hai vợ chồng họ, trong khi nghĩa vụ thi hành án chỉ thuộc cá nhân ông Tuyển, bởi vậy, việc làm của cơ quan thi hành án khiến lợi ích của người vợ bị chiếm đoạt, gây hậu quả nghiêm trọng. Vợ ông Tuyển hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa về hành vi chiếm đoạt này và đòi bồi thường thiệt hại kéo dài suốt 4 năm qua.
Theo báo: Thương hiệu công luận
https://thuonghieucongluan.com.vn/co-quan-thads-tp-hcm-nhung-nhang-mot-vu-thi-hanh-an-a75073.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30&fbclid=IwAR1GudpKNjE8yKM4MQtWmscuAjkkJpMaOZ5ZhrZ07Fjs8FsCdbGn1NPiDro