Nội dung này được tiến hành với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Khiếu nại giảm, tố cáo tăng

Theo báo cáo tóm tắt của Đoàn giám sát, so với giai đoạn 2011-2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2%. Trong đó, khiếu nại giảm 4,8% số đơn và 25,7% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước; tố cáo tăng 99,3% số đơn và 27,4% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành. 

Đoàn giám sát cho rằng, nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là văn bản pháp luật và công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa được quan tâm và thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân; thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Việc quy định quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính giải quyết tranh chấp đất đai chưa thực sự có hiệu quả để xác định điểm dừng của việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Công tác quản lý, lập hồ sơ địa chính không đồng bộ, bản đồ, tư liệu về địa chính còn thiếu gây khó xác định nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất nên khi phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo không đủ tài liệu để xem xét, kết luận giải quyết.

Giám sát để đẩy nhanh tiến độ giải quyết

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân. Các luật chủ yếu liên quan tới nội dung này là Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Tuy nhiên, do các nội dung khiếu nại, tố cáo trải rộng trên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội nên nội dung từng vụ việc lại liên quan tới nhiều đạo luật khác. Do vậy, chuyên đề có phạm vi rất rộng. Công tác giám sát cần bảo đảm tính toàn diện, nhưng vẫn phải mang tính trọng tâm, trọng điểm; làm đến nơi đến chốn, đưa ra những kiến nghị xử lý được những tồn tại, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện và kiến nghị sửa đổi các văn bản luật.